Tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Ngày 12/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội  thông qua vào ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Đây là đạo luật đầu tiên thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.

Sau 9 năm thực hiện, Luật đã có những ảnh hưởng quan trọng và giúp lĩnh vực khám, chữa bệnh có những bước phát triển mạnh mẽ như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, tạo điều kiện để phát triển ổn định; tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giữa khu vực nhà nước và tư nhân; giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng tốt. Luật góp phần chuẩn hóa kỹ năng thực hành y khoa gắn với chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thông qua việc quy định điều kiện tối thiểu để cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề và giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Sau 9 năm, đội ngũ thầy thuốc và cán bộ, nhân viên y tế phát triển mạnh mẽ và đã có sự thay đổi tích cực trong đạo đức, phong cách, thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn. Quy trình khám bệnh đã giảm từ 12 -14 bước xuống còn 4 – 8 bước tùy theo loại hình khám bệnh. So với năm 2012, thời gian khám bệnh giảm trung bình 48,5 phút/lượt khám. Đặc biệt, với việc ban hành Bộ tiêu chí chấm điểm chất lượng bệnh viện, hướng tới bệnh viện xanh – sạch – đẹp, an toàn, văn minh, tỉ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế ngày càng tăng, trung bình hơn 80% ở các loại khảo sát.

Thành tựu lớn nhất trong thời gian qua là đã từng bước khôi phục, củng cố và phát triển được mạng lưới y tế cơ sở. Hiện nay, 100% số xã có trạm y tế, khoảng 87,5% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; 97% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 74,3% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động; trong đó ở nông thôn, miền núi là 96%; gần 80% trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh BHYT. Tại các đô thị đã thí điểm mô hình y học gia đình, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng ngay tại địa bàn sinh sống.

Bên cạnh đó, tài chính y tế đã từng bước được đổi mới theo chủ trương của Đảng và đạt được một số kết quả quan trọng như: Tỉ lệ người có thẻ BHYT tăng nhanh và có thể sớm đạt được lộ trình BHYT toàn dân; chuyển từ cơ chế phí sang giá dịch vụ và đã thực hiện một bước cơ bản của lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ, chuyển dần ngân sách chi thường xuyên cấp trực tiếp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT và đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật cũng đã có một số hạn chế, bất cập như một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam cũng như một số nội dung chưa bảo đảm tính hội nhập quốc tế. Theo Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang, thực tế tổ chức mạng lưới và cơ chế hoạt động của các cơ sở y tế vẫn chưa bảo đảm cung cấp dịch vụ toàn diện, liên tục, có chất lượng, lấy bệnh nhân làm trung tâm do thiếu sự kết nối hữu cơ giữa các tuyến, chưa đáp ứng được với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ trong bối cảnh thay đổi mô hình bệnh tật. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, nhất là ở các bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối chưa được cải thiện một cách đột phá và triệt để. Một số cơ chế, thể chế, chính sách, quy định về đào tạo và sử dụng nhân lực y tế còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế, chưa đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển của ngành…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, cần xác định được những điều khoản, nội dung nào trong Luật đang gây vướng mắc, mâu thuẫn, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn các thầy thuốc, nhân viên y tế để sửa đổi; cũng như xác định những nội dung hành lang pháp lý cần thiết phải ban hành, nhưng chưa có trong Luật hiện tại. Đặc biệt, các nội dung điều chỉnh, bổ sung cần bảo đảm phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho công tác khám bệnh, chữa bệnh./.