Đúng 13 giờ 30 hôm nay (30/11/2017), Báo Diễn đàn Doanh nghiệp kết hợp với Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “ Kiến tạo môi trường cho y tế tư nhân phát triển, nhìn từ chính sách” tại tầng 7 Tòa nhà VCCI – Số 9 Đào Duy Anh – Hà Nội.
Ngày 21/8/1997, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 90/CP về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa (đã được chính phủ thông qua tại phiên họp thường kỳ tháng 3 năm 1997.
Sau hơn 20 năm thực hiện, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng bỏ vốn hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng bệnh viện, phòng khám. Đến nay, các cơ sở y tế tư nhân đã không ngừng phát triển và lớn mạnh về mọi mặt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Trong quá trình phát triển cũng tồn tại một số bất cập trong việc triển khai và thực hiện các chính sách pháp luật về y tế khiến hệ thống y tế ngoài công lập gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong thời kỳ kinh tế hội nhập.
Buổi tọa đàm sẽ là nơi trao đổi, thảo luận một số vướng mắc về cơ chế chính sách, giúp người dân thay đổi nhận thức về y tế tư nhân, cũng như thực trạng hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân trong công tác KCB – BHYT, đồng thời để các cơ quan quản lý, xem xét, điều chỉnh, sửa đổi bổ sung các chính sách đã ban hành, tạo nên sự công bằng, bình đẳng giữa các cơ sở y tế công lập và y tế tư nhân, giúp việc quản lý cũng như tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác KCB ngày một tốt hơn.
Tham dự buổi Tọa đàm “ Kiến tạo môi trường cho y tế tư nhân phát triển, nhìn từ chính sách” dự kiến có Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Tiến sỹ Lưu Bình Nhưỡng – Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội; PGS. TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam và đại diện lãnh đạo các Vụ của Bộ Y tế, các phòng ban của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Sở Y tế Hà Nội, cơ sở y tế tư nhân các tỉnh thành trên cả nước.
Đúng 13h30, buổi tọa đàm bắt đầu.
Tới tham dự buổi tọa đàm có: TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Tổng Thư ký VCCI; Ông Vũ Xuân Bằng – Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Bà Phạm Thị Hải – Phó Trưởng Phòng Quản lý hành nghề khám chữa bệnh, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế; Bà Hoàng Thị Bích Ngọc – Phó Trưởng Phòng Tài chính sự nghiệp, Vụ Tài chính kế hoạch, Bộ Y tế; Bà Nguyễn Thu Hương – Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra – kiểm tra – Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Ông Vũ Xuân – Phó trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế – Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Đệ – Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam; Luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội; Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam; Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; cùng hơn 100 hội viên của Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam đến từ các tỉnh thành trong cả nước.
Phát biểu khai mạc, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết: Chính phủ không có chính sách tích cực thì trong tương lai các nền kinh tế APEC sẽ giả do sức khoẻ của người lao động không được đảm bảo, ảnh hưởng tới năng suất lao động.
Chủ tịch VCCI nhấn mạnh rằng, chúng ta không chỉ hướng tới năng suất kinh doanh của doanh nghiệp mà bên cạnh đó phải nâng cao chất lượng sống cho người lao động cũng như sức khoẻ của người lao động bởi hiện nay, sức bền lao động của người lao động của Việt Nam rất thấp so với thế giới.
“Do đó vấn đề cải cách nền y tế để chăm lo cho người lao động là hết sức cần thiết. Có như vậy chúng ta mới tạo nên một nền kinh tế khoẻ mạnh” – TS Lộc nói.
Hiện nay, bên cạnh y tế Nhà nước thì y tế tư nhân đóng góp một phần không hề nhỏ. Do vậy, phát triển bệnh viện tư nhân đang là trách nhiệm của tất cả chúng ta với xã hội. Thực tế cho thấy, lĩnh vực này đang có tiềm năng rất lớn cần phát triển.
“Chúng ta hãy biến Việt Nam không chỉ là nơi chăm sóc sức khoẻ cho người Việt mà còn trở thành một trung tâm chăm sóc điều trị cho cả thế giới” – TS Lộc nhấn mạnh – “Các chính sách để phát triển y tế tư nhân phải hướng tới mục tiêu như vậy. Với buổi toạ đàm hôm nay, VCCI sẽ tập hợp những ý kiến đóng góp từ phía các chuyên gia, các nhà làm chính sách để trao đổi với Bộ Y tế về những kiến nghị đó; đồng thời sẽ báo cáo lên Chính phủ để có những giải pháp thiết thực cho sự phát triển nền y tế tư nhân đầy tiềm năng này”.
Phiên 1: Quá trình xây dựng và thực hiện chính sách y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân theo tinh thần Nghị quyết số 90/CP ngày 21/08/1997 của Chính phủ; Những hạn chế, bất cập trong việc quản lý và thực hiện các chính sách về y tế tư nhân.
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận đầu, ông Nguyễn Văn Đệ – Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết: Chủ trương lớn của Đảng và nhà nước, đặc biệt là sự ra đời của Nghị quyết 10-NQ/TW đã đánh giá vai trò của kinh tế tư nhân. Với vai trò của mình, Chính phủ kiến tạo đã tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp, doanh nhân trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế. Đặc biệt, Chính phủ còn ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP để tạo mọi điều kiên thuận lợi cho doanh nghiệp doanh nhân, huy động nguồn lực, tài chính,…của doanh nghiệp tư nhân cùng với hệ thống công lập, tham gia vào hoạt động y tế. Với tinh thần được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ như vậy, chúng ta sẽ xem xét lại những chính sách hợp lý và chưa hợp lý, góp tiếng nói chung tạo môi trường thực sự kiến tạo cho y tế tư nhân tham gia vào nền y tế toàn dân.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam: Các quy định trong Hiến pháp 2013 quy định rõ: Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền Kinh tế quốc dân. Các chủ thể đều bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh (Điều 51).
Nghị quyết TW 5 khoá XII cũng nhấn mạnh: Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thành tố nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Kinh tế tư nhân đã và đang trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế tư nhân đã phát triển trên nhiều phương diện, được tự do kinh doanh và đối xử bình đẳng hơn với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các yếu tố sản xuất và các loại thị trường.
Ông Nguyễn Thanh Hồi – Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam: Việc phân tuyến, phân hạng bệnh viện được quy định trong Thông tư của Bộ Y tế từ năm 2013. Tại Thông tư này, chúng ta chưa có quy định về xếp hạng cho cơ sở y tế tư nhân. Sau đó, Bộ Y tế đã có hướng dẫn nhưng lại không có sự công bằng. Cụ thể, đối với bệnh viện tư nhân, chỉ cần hạng 2 thôi thì lên tuyến tỉnh không được khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.
Ông Vũ Xuân Bằng – Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Thực tế cho thấy trong thời gian vừa qua, hệ thống tư nhân phát triển khá mạnh. Nếu như các cơ sở y tế công lập được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất và họ đã có thương hiệu tồn tại từ rất lâu như bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức…thì các cơ sở y tế tư nhân phải tự lực đầu tư từ cơ sở vật chất, trả lương cho người lao động đến việc xây dựng thương hiệu.
Do đó, theo ông Bằng, việc phát triển cơ sở y tế tư nhân là khó khăn hơn rất nhiều không chỉ về vốn mà còn nhiều vấn đề khác.
Hiện nay, có gần 500 cơ sở y tế ngoài công lập và hoạt động đang rất tốt nhưng thực tế vẫn còn những tồn tại nhất là trong việc thực hiện bảo hiểm y tế.
Thực tế qua quá trình đi kiểm tra, ông Bằng cho biết, đa số những cơ sở ngoài công lập còn những thiếu sót là do chưa nắm chắc về chính sách, về Luật y tế, Luật Khám chữa bệnh. Vì thế ông Bằng cũng đưa ra lời khuyên rằng các cơ sở y tế tư nhân cần phải bám sát văn bản để làm và trong quá trình thực hiện nếu vướng thì có thể đề đạt lên Hiệp hội và Hiệp hội có thể trao đổi lại cơ quan cao hơn để có những giải đáp phù hợp. “Chúng ta không nên vì một vài hiện tượng làm ảnh hưởng cả một nền y tế tư nhân đang phát triển” – ông Bằng nói.
Ông Phạm Văn Học: Trong những năm vừa qua, Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế đã có nhiều cơ chế chính sách cho y tế tư nhân phát triển nhưng chưa đủ mạnh để họ thực sự phát triển.
Ở các nước Mỹ La Tinh và Châu Á, y tế tư nhân chiếm 20 – 30%, Anh (10%), Thái Lan (24%), Ấn Độ (93%)… Ở Việt Nam, tỷ lệ y tế tư nhân rất thấp, chiếm 5,4%. Ở Phú Thọ có bệnh viện tư nhân duy nhất, Tuyên Quang không có bệnh viện tư nhân nào. Một bức tranh như vậy cho thấy y tế tư nhân ở Việt Nam đang thấp nhất trong khu vực và trên thế giới.
Điều này chứng minh rằng y tế tư nhân của Việt Nam đang quá nhỏ so với nhu cầu của xã hội. Bộ Y tế mặc dù có nhiều hình thức ưu đãi nhưng vẫn chưa đủ.
Theo Luật khám chữa bệnh năm 2009, hệ thống khám chữa bệnh chia làm 4 hạng để tính suất đầu tư, cơ cấu bộ máy: tuyến xã, huyện, thành phố, trung ương… Bây giờ có nhiều bệnh viện tư nhân nhưng không biết ở hạng nào.
Thông qua diễn đàn này tôi mong muốn khi xây dựng các hạng, tuyến cho phép Hiệp hội y tế tư nhân được tham gia vào ngay từ đầu thì các chính sách ban hành sẽ gần gũi hơn.
Tọa đàm có 2 nội dung chính: Phần 1: + Quá trình xây dựng và thực hiện chính sách y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân theo tinh thần Nghị quyết số 90/CP ngày 21/08/1997 của Chính phủ. + Những hạn chế, bất cập trong việc quản lý và thực hiện các chính sách về y tế tư nhân. Phân 2: +Thực trạng hiện tượng trục lợi Quỹ BHYT tại các cơ sở y tế ngoài công lập. + Giải pháp về chính sách để thúc đẩy y tế tư nhân phát triển. Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tường thuật trực tuyến sự kiện này tại địa chỉ: www.enternews.vn và www.doanhnhanmoi.vn. |