Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý, việc xây dựng Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là rất cần thiết”.
Chiều 25/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3 – Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước
Theo Tờ trình, ngày 23/11/2009 Quốc hội đã thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh. Ngay sau khi Luật được ban hành, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành đã ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh; góp phần chuẩn hóa chất lượng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân.
Hiện nay cả nước có khoảng 52.000 cơ sở khám, chữa bệnh cả của nhà nước và tư nhân cung ứng dịch vụ, nhiều kỹ thuật mới, phương pháp mới, kỹ thuật y khoa tiên tiến được áp dụng góp phần tăng tuổi thọ bình quân của người dân lên 73,7 tuổi.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày tóm tắt Tờ trình Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, vấn đề trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết về quản lý người hành nghề, quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, về các vấn đề chuyên môn và phân cấp, phân quyền… Để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý, việc xây dựng dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là rất cần thiết.
Xây dựng Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Người nước ngoài khám bệnh, chữa bệnh phải sử dụng thành thạo tiếng Việt
Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương và 106 điều. Trong đó tập trung vào các nhóm chính sách lớn gồm: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.
Dự thảo Luật nêu rõ, về nâng cao, chuẩn hóa kỹ năng của người hành nghề, quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề đối với các chức danh: Bác sĩ; Y sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; Điều dưỡng; Hộ sinh; Kỹ thuật y; Dinh dưỡng; Cấp cứu viên ngoại viện (Paramedic). Các đối tượng là Lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền tiếp tục áp dụng hình thức xét cấp dựa vào hồ sơ.
Hoạt động khám, chữa bệnh.
Quy định giấy phép hành nghề có giá trị 05 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề, theo đó nếu sau 05 năm kể từ thời điểm được cấp phép hành nghề, người hành nghề: Đạt đủ số điểm theo quy định thì sẽ được tự động gia hạn giấy phép hành nghề; Không đạt đủ số điểm theo quy định thì sẽ phải cập nhật bổ sung hoặc phải kiểm tra đánh giá kiến thức để được gia hạn giấy phép hành nghề.
Quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo.
Về quản lý người hành nghề, Tờ trình bỏ quy định đối tượng theo văn bằng chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề như Luật năm 2009 và thay thế bằng quy định chức danh nghề nghiệp phải có giấy phép hành nghề. Trên cơ sở chức danh nghề nghiệp được quy định trong Luật, Chính phủ sẽ quy định văn bằng chuyên môn tương ứng với từng chức danh. Bắt buộc phải đăng ký hành nghề trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Áp dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng do Bộ Y tế ban hành
Về nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Tờ trình bổ sung quy định bắt buộc phải áp dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng do Bộ Y tế ban hành đồng thời khuyến khích các cơ sở áp dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng quốc tế. Bổ sung quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mục tiêu từng bước liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người bệnh đồng thời cũng là giải pháp để quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân.
Về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các hình thức tổ chức hành nghề như hiện nay, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định: Cho phép các tổ chức có tên gọi như cơ sở giám định y khoa, trung tâm y tế huyện, viện nghiên cứu có giường bệnh và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tên gọi khác được cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật này; Cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ.
Về tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh, Tờ trình cho biết, thực hiện việc cải cách trong cấp giấy phép hành nghề theo hướng: tập trung đầu mối cấp, quản lý hoạt động của người hành nghề thông qua việc giao Hội đồng Y khoa tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp giấy phép hành nghề. Việc thực hiện việc phân cấp về cấp giấy phép hoạt động theo hướng: Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp cho các cơ sở trực thuộc Bộ; Sở Y tế cấp cho các cơ sở còn lại trên địa bàn, bao gồm cả bệnh viện tư nhân và các cơ sở thuộc các Bộ, ngành khác.
Phân cấp thẩm quyền phê duyệt bổ sung danh mục kỹ thuật, cho phép áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới theo hướng: Bộ Y tế chỉ cho phép đối với các kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam hoặc các kỹ thuật chuyên môn sâu như ghép tạng; Cơ quan quản lý y tế các Bộ, ngành và địa phương sẽ cho phép áp dụng đối với các kỹ thuật còn lại.
Về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Tờ trình cho biết, tiếp tục duy trì hệ thống các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cả nhà nước và tư nhân như hiện nay nhưng có sự thay đổi về phân cấp chuyên môn theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, theo đó hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tổ chức thành 3 cấp theo chuyên môn gồm: Cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; Cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; Cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu.
Bộ trưởng Bộ Y tế quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh
Về giá khám bệnh, chữa bệnh, quy định giá khám bệnh, chữa bệnh gồm các yếu tố phát sinh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Tờ trình nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu) đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc; Căn cứ khung giá của Bộ Y tế, HĐND cấp tỉnh quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo đề nghị của UBND cùng cấp; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước quyết định mức giá cụ thể đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu của cơ sở; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Giá.
Tờ trình cũng quy định cụ thể một số biện pháp bảo đảm an ninh trật tự cho người bệnh, người nhà người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho nhân viên y tế.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật quy định giao Hội đồng y khoa quốc gia cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề như quy định tại khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị chỉ giao Hội đồng Y khoa Quốc gia chỉ thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp giấy phép hành nghề và giao các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cũng như các điều kiện khác để thực hiện việc cấp phép hành nghề.
Đối với việc sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài tại Việt Nam, Dự thảo Luật quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam bắt buộc phải biết Tiếng Việt thành thạo và không được sử dụng phiên dịch. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành là cho phép sử dụng phiên dịch.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn