Ngày 11.3, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Y tế tư nhân khu vực phía Bắc. Tại Hội nghị, Hiệp hội này đã đưa ra các vấn đề mà họ đang tiếp tục phản ánh, kiến nghị nhằm “đòi quyền lợi” cho nhóm y tế tư nhân.
1- Phân thẻ BHYT khám chữa bệnh ban đầu.
Hiện nay, việc phân thẻ BHYT khám chữa bệnh ban đầu được Bộ Y tế và BHXH Việt Nam giao cho Sở Y tế và BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương. Tuy nhiên, Liên ngành: Y tế – BHXH lại chưa xây dựng, chưa công khai bộ tiêu chí rõ ràng để phân thẻ BHYT cho các bệnh viện. Theo phản ánh của hội viên Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam thì mỗi địa phương có một cách phân thẻ BHYT khám chữa bệnh ban đầu khác nhau. Nhiều bệnh viện tư nhân được đầu tư trang thiết bị hiện đại, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng lại được phân số lượng thẻ BHYT khám chữa bệnh ban đầu thấp. Việc phân thẻ BHYT khám chữa bệnh ban đầu còn có sự phân biệt giữa cơ sở y tế nhà nước và cơ sở y tế tư nhân. Điều này dễ nảy sinh tiêu cực, tạo ra cơ chế “xin – cho” trong việc phân thẻ BHYT.
Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam đề nghị: BHXH Việt Nam và Bộ Y tế cần ban hành những tiêu chí cơ bản như: quy mô giường bệnh, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực và phương tiện kỹ thuật… để phân thẻ BHYT khám chữa bệnh ban đầu; cần có sự giám sát, chỉ đạo sát sao việc phân thẻ BHYT tại các địa phương.
2- Thông tuyến BHYT khám chữa bệnh ban đầu.
Hiện nay, khối bệnh viện tư nhân chưa được Bộ Y tế xếp hạng. Để giải quyết vấn đề trên, ngày 11.12.2013, Bộ Y tế đó có Thông tư 43/2013/TT-BYT quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, giao cho các Sở Y tế địa phương tiến hành thẩm định và trình cấp có thẩm quyền công nhận hạng tương đương bệnh viện hạng I, hạng II, hạng III và IV để làm cơ sở phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và thanh toán BHYT. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số hội viên Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, dù quy định thông tuyến huyện trong khám chữa bệnh BHYT ban đầu theo Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 01.1.2016 nhưng một số bệnh viện tư nhân được phân tuyến chuyên môn kỹ thuật tương đương hạng III tuyến huyện vào cuối năm 2015 vẫn chưa được thông tuyến. Bên cạnh đó việc quy định thông tuyến huyện chỉ áp dụng trong cùng địa bàn tỉnh, khiến một số bệnh viện ở địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh cũng như bệnh nhân ở khu vực này không được thanh toán 100% chi phí khi đi KCB trái tuyến.
Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam đề nghị: Giữa BHXH Việt Nam và Bộ Y tế cần có sự thống nhất cao trong việc triển khai các văn bản hướng dẫn việc thông tuyến trong khám chữa bệnh BHYT. Việc công văn 5388/BHXH-CSYT được ban hành vào ngày 30/12/2015 yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tổng hợp các bệnh viện thanh toán mức giá tương đương hạng III báo cáo BHXH Việt Nam xem xét giải quyết khiến các bệnh viện tư nhân trước đó đã được phê duyệt phân tuyến chuyên môn kỹ thuật hạng III lúng túng.
3- Chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT.
Hiện tại, một số bệnh viện tư nhân được phân tuyến chuyên môn kỹ thuật là bệnh viện tương đương hạng I, hạng II tuyến tỉnh. Theo đó, các bệnh viện hạng III tuyến huyện có thể chuyển tuyến đến bệnh viện đa khoa tư nhân tuyến tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, rất hiếm trường hợp các bệnh nhân ở các bệnh viện nhà nước hạng III tuyến huyện được chuyển tuyến đến bệnh viện đa khoa tư nhân tuyến tỉnh, kể cả khi bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có yêu cầu. Số lượng bệnh nhân đến KCB chủ yếu là những người đăng ký KCB BHYT ban đầu và bệnh nhân chấp nhận vượt tuyến để được đến khám, điều trị tại cơ sở y tế tuyến tỉnh. Dù trong thực tế không được chuyển tuyến bệnh nhân BHYT từ bệnh viện tuyến huyện nhưng các bệnh viện tư nhân tương đương hạng II tuyến tỉnh vẫn không được thông tuyến trong KCB BHYT ban đầu. Như vậy, khi chuyển tuyến thì các bệnh viện này bị xem như bệnh viện tuyến huyện nhưng khi thông tuyến huyện thì lại bị xếp lại bệnh viện tuyến tỉnh.
4- Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.
Tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế là một trong những vấn đề luôn được khối y tế tư nhân quan tâm. Khi giá dịch vụ được tính đủ, có cả khấu hao thì mặt bằng giá dịch vụ của bệnh viện nhà nước, giá dịch vụ từ các hoạt động xã hội hóa, giá dịch vụ của bệnh viện tư nhân sẽ tương đương nên không còn tình trạng bù giá như hiện nay. Điều này tạo sự công bằng cho y tế nhà nước và y tế tư nhân, góp phần khuyến khích xã hội hóa, khuyến khích sự phát triển của bệnh viện tư nhân, tạo sự cạnh tranh công bằng giữa bệnh viện công và bệnh viện tư. Người bệnh sẽ lựa chọn cơ sở y tế tốt nhất không kể công hay tư nhưng có mức giá ngang nhau thay vì chỉ đổ dồn về bệnh viện công như hiện nay.
Hiệp hội bệnh viện tư nhân đề nghị BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính đẩy nhanh hơn nữa lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế để tạo ra môi trường cạnh tranh phát triển bình đẳng giữa các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân và nhà nước, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước.
5- Thanh toán đối với các bác sỹ, chuyên gia y tế bệnh viện cộng lập làm ngoài giờ tại bệnh viện tư nhân.
Cụ thể, tại Điểm B, Khoản 02, Công văn số 245/BHXH-CSYT ngày 18/01/2012 của BHXH Việt Nam có quy định không thanh toán BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật do bác sỹ làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh khác thực hiện. Do đó không tạo điều kiện cho các chuyên gia, bác sỹ ở Bệnh viện công thực hiện các dịch vụ kỹ thuật ở các Bệnh viện tư nhân.
6- Chính sách ưu đãi về vốn, thuế và đất đối với các nhà đầu tư lĩnh vực y tế tư nhân
Nghị định 59/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường tiếp tục tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định sửa đổi bổ sung, UBND tỉnh, thành phố căn cứ vào ngân sách địa phương để cân đối tiền bồi thường GPMB khiến nhà đầu tư gặp khó khăn. Theo quy định của Nghị định 59, các nhà đầu tư đều phải ứng trước kinh phí bồi thường GPMB và khấu trừ nghĩa vụ tài chính sau. Điều này làm giảm đi tính ưu việt của chủ trương khuyến khích xã hội hóa của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư lĩnh vực y tế cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Hiện nay, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực y tế tư nhân chưa được khấu trừ thuế đầu vào để tái đầu tư như các đơn vị kinh doanh khác.
7- Phục vụ giám định dị tật, dị dạng cho đối tượng nhiễm chất độc hóa học
Thông tư Liên tịch số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 18/01/2013 quy định bệnh án chỉ được công nhận ở bệnh viện tuyến huyện trở lên và trường hợp cần thiết thì Hội đồng giám định y khoa chỉ định điều trị tại cơ sở KCB của nhà nước để làm căn cứ xác định bệnh…Do vậy, bệnh viện tư nhân, mặc dù được phân tuyến chuyên môn kỹ thuật tương đương hạng II tuyến tỉnh vẫn không được KCB phục vụ giám định dị tật, di dạng cho người nhiễm chất độc hóa học.
8- KCB cho người nghèo
Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ quy định hỗ trợ chi phí đi lại, ăn khi bệnh nhân nghèo điều trị nội trú tại các bệnh viện công lập. Điều này khiến nhiều người thuộc diện hộ nghèo ở gần bệnh viện tư nhân, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân muốn đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện tư nhân không được đăng ký và hưởng mức hỗ trợ khi điều trị nội trú tại đây.
9- Dung tích của chai dịch.
Danh mục thuốc trúng thầu của một số địa phương chỉ có chai dịch dung tích 500ml của dịch mặn hoặc dịch ngọt đẳng trương, dẫn đến việc, trong một số trường hợp, thầy thuốc phải cho xả đi từ 250ml đến 400ml, chỉ giữ lại 250ml hoặc 100ml dịch để pha thuốc nhằm đạt đúng kỹ thuật pha chế điều trị cho người bệnh. Nhiều bệnh nhân phải áp dụng như vậy 3-4 lần trong 24 giờ, kéo dài trong một đợt điều trị từ 7 – 10 ngày. Điều này gây lãng phí về nhiều mặt: Lãng phí từ cơ sở sản xuất; lãng phí thời gian đối với cơ sở y tế (điều dưỡng phải chuyển dung tích 500ml về lượng dung tích phù hợp); lãng phí chi phí điều trị của người bệnh…Để thuận tiện cho việc điều trị, danh mục thuốc trúng thầu của các địa phương nên có nhiều loại dịch với dung tích phù hợp. Hoặc Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần có quy định cho phép các bệnh viện được thanh toán BHYT các loại dịch với dung tích phù hợp theo giá thị trường, miễn không cao hơn giá trúng thầu.
Hiện tại cả nước có hơn 170 bệnh viện tư nhân, hơn 30.000 phòng khám tư nhân và cơ sở dịch vụ y tế. Nhiều bệnh viện quy mô lớn từ 400-500 giường bệnh, được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cao. Tuy nhiên,theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, các bệnh viện tư nhân ở nước ta mới chỉ sử dụng khoảng 40 – 50% công suất giường bệnh, gây lãng phí rất lớn cho nhà đầu tư. Một số bệnh viện hoạt động cầm chừng, thậm chí phải ngừng hoạt động… |
Thực tế đòi hỏi cộng đồng y tế tư nhân Việt Nam phải có một tổ chức thống nhất về ý chí và hành động, đủ uy tín, tầm vóc để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các thành viên, tăng cường hợp tác đầu tư trong lĩnh vực y tế. Sau hơn 1 năm vận động thành lập, ngày 26/8/2014, tại Thủ đô Hà Nội, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã tổ chức đại hội thành lập theo Quyết định số 611/ QĐ- BNV của Bộ Nội vụ.
Nguồn: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/y-te-tu-nhan-dua-ra-9-dieu-doi-quyen-loi-527699.bld |