Ngày 23/5/2023, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam có Đơn kiến nghị khẩn cấp gửi tới GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hộivề việc góp ý xây dựng Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Theo đó, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã khai mạc vào ngày 22/5. Theo chương trình nội dung kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án Luật, trong đó có Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đây là dự án luật có tác động lớn tới hoạt động đấu thầu trong nhiều lĩnh vực đầu tư xây dựng, giáo dục, y tế, môi trường, cung cấp máy móc, thuốc, thiết bị vật tư y tế.
Là tổ chức đại diện cho cộng đồng cơ sở y tế tư nhân Việt Nam, chịu sự tác động, liên quan trực tiếp của quy định pháp luật về đấu thầu, nhất là đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế (VTYT), từ năm 2013 (trước khi Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 được ban hành), xuất phát từ thực trạng các các cơ sở y tế tư nhân chủ yếu có quy mô nhỏ, không đủ năng lực, kinh nghiệm để tự chủ động tổ chức đấu thầu thuốc, VTYT, phải áp dụng giá trúng thầu thuốc, VTYT tập trung do Sở Y tế địa phương tổ chức cho các cơ sở y tế công lập, Hiệp hội đã tích cực tham gia, đóng góp ý kiến xây dựng Luật Đấu thầu, cụ thể là đóng góp kiến tạo nên Điều 52 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho cả hệ thống y tế tư nhân có thêm cơ sở để tham gia hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc, VTYT, phục vụ người bệnh tham gia BHYT. Tính thực tiễn của Điều 52 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 đã minh chứng qua nhiều năm, không chỉ tạo thuận lợi cho cơ sở y tế tư nhân tăng tính chủ động, linh hoạt áp dụng nhiều kết quả thầu mua sắm thuốc, VTYT trên cùng địa bàn, mà còn hạn chế tình trạng thiếu thuốc, VTYT, độc quyền cung ứng, lợi ích nhóm trong mua sắm, đấu thầu thuốc. Đặc biệt trong đợt COVID-19, nhờ có Điều 52 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, nhiều cơ sở y tế tư nhân đã chủ động, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu VTYT, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe người bệnh.
Được sự quan tâm của Bộ Kế hoạch Đầu tư – cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Hiệp hội đã tham gia tích cực, góp ý đầy trách nhiệm tại các hội nghị, hội thảo, toạ đàm và bằng văn bản gửi tới cơ quan chủ trì soạn thảo luật; phân tích làm rõ những nội dung vướng mắc, bất cập trong hoạt động đấu thầu thuốc, VTYT được thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) tại cơ sở y tế tư nhân trong suốt thời gian qua. Đặc biệt là nội dung tiếp tục kế thừa, bổ sung và điều chỉnh Điều 52 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 cho phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở y tế tư nhân Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý để cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) tư nhân ký hợp đồng KCB BHYT thực hiện mua sắm thuốc, VTYT được thanh toán từ nguồn quỹ BHYT. Bởi nếu nội dung này không được quan tâm, xem xét giải quyết, sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc, VTYT của hệ thống y tế tư nhân Việt Nam, tạo ra nhiều hệ quả xấu tới hoạt động đấu thầu thuốc, VTYT hiện nay.
Mặc dù vậy, không hiểu lý do gì, bản soạn thảo ban đầu giữ nguyên Điều 52 nhưng quá trình Hiệp hội góp ý, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật vô tình hay cố ý đã “bỏ ngoài tai”, không những không tiếp thu ý kiến từ cơ sở, không đánh giá hậu quả, tác động của luật khi ban hành đối với cơ sở y tế tư nhân mà còn loại bỏ toàn bộ nội dung Điều 52 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ra khỏi Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), không dành một điều, khoản nào để hướng dẫn cơ sở KCB BHYT y tế tư nhân thực hiện áp thầu mua sắm thuốc, VTYT, đồng thời “vận động”, “dỗ dành” cơ sở y tế tư nhân là: việc hướng dẫn cơ sở KCB tư nhân mua sắm thuốc, VTYT sẽ được bổ sung, đưa vào Luật BHYT (sửa đổi) tới đây. Thế nhưng, điều bất hợp lý là trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 không có Luật BHYT (sửa đổi).
Trong suốt quá trình mòn mỏi chờ đợi Luật BHYT (sửa đổi) được xây dựng, ban hành, cơ sở KCB BHYT tư nhân sẽ gặp muôn vàn khó khăn, chưa biết dựa vào cơ sở pháp lý nào để áp thầu mua sắm thuốc, VTYT phục vụ người bệnh. Như vậy, cơ quan soạn thảo Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã vô tình để lại hậu quả vô cùng lớn cho cơ sở KCB BHYT tư nhân, thậm chí nguy cơ tạo kẽ hở cho “lợi ích nhóm” cấu kết độc quyền, làm gia tăng chi phí KCB BHYT.
Hiện nay, Điều 52 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 hướng dẫn cơ sở y tế tư nhân chỉ được cơ quan BHXH thanh toán chi phí mua thuốc, VTYT từ nguồn quỹ BHYT trong trường hợp cơ sở KCB tư nhân không chọn áp dụng quy định tham gia mua thuốc, VTYT tập trung (cấp quốc gia, cấp địa phương, đàm phán giá) mà được quyền áp dụng kết quả thầu của các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh trên cùng địa bàn. Tuy nhiên, Điều 52 chưa bao quát và giải quyết hết những mâu thuẫn, phát sinh, bất cập của hệ thống y tế tư nhân khi thực hiện mua sắm thuốc, VTYT phục vụ người bệnh.
Do vậy, trên cơ sở phân tích nêu trên, Hiệp hội kính đề nghị Chủ tịch Quốc hội quan tâm, có ý kiến chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, sửa đổi, bổ sung hướng dẫn mua sắm thuốc, VTYT của cơ sở KCB tư nhân trong Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) theo hướng cho phép Cơ sở y tế tư nhân được mở rộng thêm hoạt động được áp dụng kết quả đấu thầu thuốc, VTYT của các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh trên địa bàn hoặc các cơ sở y tế và các địa phương khác trong cả nước trong điều kiện giá mua các mặt hàng thuốc, VTYT bằng hoặc không cao hơn giá trúng thầu thuốc, VTYT tại địa phương, đơn vị đó, làm cơ sở cho cơ quan BHXH thanh toán chi phí KCB BHYT cho người bệnh.
Đây là quy định pháp luật quan trọng, ảnh hưởng đến sinh mệnh hoạt động của cơ sở KCB tư nhân, kính đề nghị GS. TS. Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội quan tâm, xem xét, giải quyết, tạo điều kiện cho hệ thống y tế tư nhân yên tâm hoạt động ổn định, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành y tế.
Toàn văn bản Đơn kiến nghị: Đơn kiến nghị Khẩn cấp Góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu
Công văn góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu: CV Góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu
Nguồn: Văn phòng Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam./.