Kiến nghị, phản ánh những quy định, chính sách pháp luật trong lĩnh vực y tế.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến phản ánh của hội viên, ngày 25/7/2021, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam có Công văn số 52/CV – BVTN về việc kiến nghị, phản ánh những quy định, chính sách pháp luật trong lĩnh vực y tế gửi Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính – Ủy viên Bộ Chính trị. 

Theo đó,Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam xin đề xuất Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét và chỉ đạo xử lý những vấn đề như sau:

– Sửa đổi kịp thời Điều 6 Thông tư số 43/2013/TT-BYT, trong đó giao thẩm quyền phê duyệt Danh mục kỹ thuật của các bệnh viện tư nhân cho các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đảm bảo sự công bằng, minh bạch, thông thoáng, đơn giản hoá thủ tục thành phần hồ sơ thẩm định, tạo cơ hội thuận lợi cho lực lượng y bác sỹ và các bệnh viện tư nhân phấn đấu, mở rộng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn. Trường hợp Sở Y tế chưa đủ khả năng thẩm định về chuyên môn các danh mục kỹ thuật cao, kỹ thuật mới được áp dụng lần đầu tại Việt Nam thì Sở Y tế có thể mời các chuyên gia trung ương cùng tham gia thẩm định, phê duyệt.

– Bỏ quy định về nguyên tắc hai bước “Áp dụng thí điểm và áp dụng chính thức” đối với kỹ thuật mới, phương pháp mới (quy định tại Thông tư số 07/2015/TT-BYT), chỉ nên thực hiện một quy trình thẩm định duy nhất là áp dụng chính thức hoặc chỉ thí điểm đối với những phương pháp mới, kỹ thuật mới lần đầu áp dụng thực hiện tại Việt Nam, đồng thời giao thẩm quyền cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện phê duyệt.

– Thống nhất có quy định chung về việc phân tuyến, phân hạng giữa cơ sở y tế tư nhân và công lập, tránh chồng chéo chính sách pháp luật. Cơ sở y tế tư nhân và công lập đều có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm KCB trong khả năng cho phép, theo đúng phạm vi và các danh mục kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chính phủ, Nhà nước nên khuyến khích các đơn vị phát huy năng lực, nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng chuyên môn bằng các tiêu chí đánh giá cụ thể, tránh trường hợp lợi dụng thẩm quyền phê duyệt nâng hạng để được hưởng chính sách KCB BHYT, đảm bảo ổn định hoạt động của Quỹ BHYT.

– Trong khi chờ Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật KCB (sửa đổi), đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quy định giao thẩm quyền cấp, cấp lại, điều chỉnh và thu hồi giấy phép hoạt động bệnh viện tư nhân cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện.

– Sửa đổi kịp thời Thông tư 30/2018/TT-BYT theo hướng cho phép các bệnh viện tuyến dưới được làm các kỹ thuật của bệnh viện tuyến trên đối với các bệnh thuộc lĩnh vực Nội khoa, giúp các bệnh viện tư nhân có điều kiện phát triển chuyên môn, kỹ thuật, góp phần giảm áp lực về tình trạng quá tải đối với bệnh viện tuyến trên, giúp người bệnh tiết kiệm được thời gian, chi phí điều trị mà vẫn được hưởng đúng, đủ chính sách BHYT, nhất là thuốc và vật tư y tế trong quá trình điều trị.

– Sửa đổi những bất cập quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 10 của Thông tư Liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH, không chỉ phù hợp với thực tế, đảm bảo quyền, lợi ích của khối y tế tư nhân mà còn thực hiện theo đúng chủ trương cắt bỏ các điều kiện không cần thiết trong thủ tục hành chính, giúp các đối tượng người bệnh có bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học thuận lợi hơn trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ giám định y khoa để được hưởng chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người có công với cách mạng.

– Điều chỉnh, sửa đổi Điều 4 Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 33/2013/TTLT-BYT-BTC ban hành ngày 18/10/2013 của Liên Bộ Y tế – Tài chính theo hướng người nghèo điều trị nội trú tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân đều được hưởng chính sách hỗ trợ một phần tiền ăn, tiền đi lại và một phần chi phí KCB BHYT theo quy định Nhà nước như nhau, tạo được sự bình đẳng trong thụ hưởng của người nghèo, bình đẳng giữa cơ sở y tế công lập, tư nhân trong việc KCB cho nhân dân.

– Đề nghị Chính phủ cơ chế, chính sách ưu tiên giải quyết mở rộng thêm chỉ tiêu liên thông trình độ trung cấp lên đai học đối với khối ngành sức khoẻ, trong đó ưu tiên tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ và nhu cầu xã hội đối với đối tượng cán bộ y sĩ đang công tác tại các cơ sở y tế tư nhân hiện nay, góp phần giúp đỡ các cơ sở y tế tư nhân khắc phục thực trạng thiếu nguồn nhân lực bác sĩ, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ KCB cho người dân, giảm tình trạng vượt tuyến.

– Đề nghị trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính nhà nước không đề cập đến các khái niệm, từ ngữ: cơ sở ngoài công lập, cơ sở y tế tư nhân, bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân…chỉ nên thống nhất chung một khái niệm là cơ sở y tế (với các hình thức tổ chức của cơ sở KCB theo quy định) được phân hạng và phân tuyến chuyên môn kỹ thuật trên cơ sở đánh giá năng lực, chất lượng của các cơ sở y tế.

 Trong Công văn Hiệp hội đã báo cáo, giải trình, phân tích từng vấn đề cụ thể tới Thủ tướng Chính Phủ . Nội dung cụ thể vui lòng xem file đính kèm: 52 CV Kiến nghị Thủ tướng về bất cập chính sách y tế – Bản chuẩn

Nguồn: Văn phòng Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam./.